Mỹ phẩm giả ký sự

mAd_lOvE

Administrator
Staff member
Loạt bài Phóng sự về Mỹ phẩm giả SX tại Trung Quốc và tiêu thụ trực tiếp tại VN của báo An Ninh Thế Giới, copy về đây để mọi người tham khảo ;)

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2007/7/63381.cand



Sau một hồi bấm máy tính, A Tiền (tay làm hàng giả có hạng tại mỹ phẩm Xing Fa Plaza, Quảng Châu, Trung Quốc) đưa ra cái giá “giật mình”: 30NDT/thùng 720 gói dầu gội Sunsilk bồ kết. Tính ra tiền Việt Nam, một gói dầu gội có giá chưa tới... 100đ.

12_ba671.jpg

Bà chủ Dung đang chào hàng Double Rich nhái.


Chỉ với 1 triệu đồng trong túi, bạn có thể mua được... một đống mỹ phẩm các loại từ son, phấn, dầu gội đầu, kem dưỡng da, nước hoa, sữa tắm... của những thương hiệu danh tiếng nhất thế giới như Chanel, Gucci, Double Rich, Cararno, Shiseido, Nivea, Olay... Đó là giá bán tại các cửa hàng trong đại siêu thị mỹ phẩm Xing Fa Plaza (Quảng Châu, Trung Quốc). Chỉ có điều tất cả những thứ ấy đều là hàng nhái.

Từ nơi này, mỹ phẩm nhái đã được đưa tới nhiều nước ở châu Á, trong đó có Việt Nam. Phóng viên ANTG vừa có chuyến thực tế ở một số xưởng sản xuất và chợ mỹ phẩm nhái ở Quảng Châu và phát hiện ra rằng, ở Việt Nam từ nhiều năm nay, người tiêu dùng đã phải mua nhiều loại mỹ phẩm hàng hiệu "Made in Quảng Châu" với giá cắt cổ...

Kỳ 1: Chuyện ở “thiên đường” mỹ phẩm nhái

Từ thị xã Bằng Tường (cách cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn 20km) chỉ mất đúng một đêm nằm trên xe khách tốc hành, chúng tôi đã vượt chặng đường 1.600 km để tới thành phố Quảng Châu, thủ phủ tỉnh Quảng Đông.

Vào thế kỷ VIII, ở Quảng Châu đã tràn ngập hàng hóa của nước ngoài và cũng là chốn ăn chơi nổi tiếng của những người lắm tiền... Nhưng đó là chuyện của một thời dĩ vãng, còn bây giờ, Quảng Châu không chỉ là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh Quảng Đông mà còn được biết tới là nơi có nhiều lò sản xuất hàng nhái, bởi đến đây người ta có thể mua được bất cứ thứ gì, từ hàng điện tử, điện máy, quần áo, giày dép và đặc biệt là mỹ phẩm của những hãng danh tiếng nhất thế giới với giá rẻ như... bèo.

Riêng về mỹ phẩm, Quảng Châu có hai cái nhất, đó là có nhiều cơ sở, nhà máy sản xuất mỹ phẩm nhất (theo ước tính thì có... hàng trăm cơ sở sản xuất) và có chợ buôn bán mỹ phẩm lớn nhất Trung Quốc, thậm chí lớn nhất thế giới, là Xing Fa Plaza.

Sở dĩ Quảng Châu có nhiều cơ sở sản xuất mỹ phẩm bởi trên thế giới Quảng Đông là một trong hai nơi có nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất mỹ phẩm tốt nhất. Vì vậy ngay cả những hãng mỹ phẩm nổi tiếng thế giới cũng phải nhập một số nguyên liệu từ đây.
Từ bến xe Việt Tú Nam, chỉ mất 30 phút đi taxi, chúng tôi đã tới Xing Fa Plaza. Tọa lạc trên khu đất rộng có lẽ tới hơn chục ngàn mét vuông ngay trung tâm thành phố, Xing Fa Plaza là một đại siêu thị mỹ phẩm lớn vào loại nhất nhì thế giới với cả ngàn kiốt.

Tới đây, chỉ cần đi một vòng là có thể mua đủ các loại nguyên liệu, máy móc để mở một trung tâm thẩm mỹ bởi ở đây người ta bán từ miếng bông tẩy trang tới son phấn, dầu gội đầu, kem dưỡng da, dược liệu... tới các loại máy móc phục vụ làm đẹp.

Là chợ bán buôn nên các kiốt chỉ mở cửa từ 9h sáng tới 6h chiều. Đã thành thông lệ, hằng năm tại Xing Fa Plaza này đều tổ chức hai lần Hội chợ mỹ phẩm vào đầu năm và cuối năm với sự góp mặt của tất cả các hãng mỹ phẩm nổi tiếng nhất Trung Quốc và thế giới thu hút khách hàng từ khắp năm châu đến tham quan, ký hợp đồng.

Nhưng Xing Fa Plaza cũng là trung tâm buôn bán các loại mỹ phẩm nhái hàng hiệu lớn nhất. Cũng chính tại cái chợ này, vào tháng 2/2007, nhà chức trách Trung Quốc đã phát hiện sáu loại son môi có chứa chất sudan gây ung thư do hai công ty mỹ phẩm Hằng Phương và Thi Lộ Lan sản xuất.

Dạo qua bốn năm dãy kiốt dài dằng dặc, chúng tôi mới tìm được một kiốt hiếm hoi có biển chữ Việt là “Mỹ phẩm Shima” của bà chủ người Trung Quốc tên Hà. Năm nay mới ngoài 40 tuổi, nhưng bà chủ này đã có thâm niên tới 10 năm sản xuất mỹ phẩm và có cả một nhà máy ở ngoại ô thành phố Quảng Châu. Cái kiốt này chỉ là nơi giới thiệu sản phẩm và giao dịch.

Ngó quanh cái kiốt chỉ rộng chừng hơn chục mét vuông, tôi không khỏi bất ngờ vì thấy không thiếu bất cứ một mác mỹ phẩm danh tiếng nào từ Revlon, Double Rich, Nivea, Dove, Olay... Đặc biệt, giá của những thứ hàng hiệu ấy rẻ đến giật mình: chai keo bọt chải tóc Double Rich giá 7 NDT/chai (1NDT= 2.100 VNĐ), một hộp kem dưỡng tóc Revlon USA cũng chỉ có 8 NDT, còn loại dầu gội Algemarin vàng Made in Gemany cũng chỉ có 160 NDT/ thùng 48 chai... nếu tính ra tiền Việt Nam, tất cả các mặt hàng ở đây không thứ nào có giá tới 50.000đ.

Nghe chúng tôi giới thiệu từ Hà Nội sang với ý định tìm đối tác để đặt hàng nhái “đánh” về Việt Nam, bằng một thứ tiếng Việt lơ lớ, bà Hà vừa chỉ các loại mẫu bày kín cả 4 bức tường vừa chào hàng “các anh cứ xem đi, ưng cái nào thì làm, cần bao nhiêu cũng có”.

Lôi từ trong tủ ra một đống các loại chai dầu gội đầu, kem dưỡng tóc hiệu Nivea, Pon'd, Dove, Lux, Double Rich bà Hà bảo rằng “ba cái thứ hầm bà lằng này bán ở Việt Nam chạy lắm. Còn nếu muốn đặt riêng, các anh cứ đưa mẫu đây Hà làm cho”. Hóa ra từ vài năm nay, bà Hà vẫn thường sản xuất hàng cho một người họ hàng có cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm ở chợ Kim Biên (TP HCM) nên khá rành mặt hàng nào bán chạy.

Nhưng khi tôi chỉ vào hộp dầu gội nhãn hiệu Double Rich đỏ có đóng hộp giấy như chai rượu ngoại trông rất bắt mắt thì bà Hà nói rằng cái này do khách hàng ở Sài Gòn đặt nên không thể làm cho tôi được vì như vậy là vi phạm hợp đồng với khách. Hóa ra dân làm hàng nhái cũng có luật làm ăn với nhau rất cụ thể, đó là giữ độc quyền thị trường cho khách hàng. Nếu khách hàng ở Việt Nam đã đặt mặt hàng nào thì người đến sau dù có trả giá cao hơn họ cũng không bán mặt hàng ấy.

Khi thấy tôi tỏ vẻ tiếc vì không thể đặt hàng loại dầu gội Double Rich chai đỏ, bà Hà lôi tiếp ra một đống hộp có in chữ Thái Lan và bảo “nếu anh thấy mẫu này được Hà sẽ làm cho, thích in chữ gì lên vỏ cũng được, đảm bảo sau 15 ngày ký hợp đồng là hàng ra tới Lũng Vài (giáp biên giới Lạng Sơn)”.

Nguyễn Thiêm
 

mAd_lOvE

Administrator
Staff member
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2007/7/63381.cand?Page=2

Quả thực nếu không đến tận nơi mà cứ nhìn vào những mẫu mã bao bì in toàn tiếng Anh, Hàn Quốc, Thái Lan với những Made in Korea, Made in Germany, Made in USA... chắc chắn ai cũng tin đó là hàng xịn bởi kỹ thuật làm hàng nhái ở đây đã đạt tới trình độ công nghệ cao.

Trong cái đống “hầm bà lằng bán chạy ở Việt Nam” ấy, ngoài những chai lọ đều gắn mác sản xuất ở Đức, Hàn Quốc, Thái Lan... còn có cả chai keo bọt chải tóc hiệu Double Rich đỏ trên đó ngoài dòng chữ Made in Korea thì còn có in sẵn cả tờ hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt với các thông tin về sản phẩm, cách sử dụng và “nhà nhập khẩu: Công ty Vocarimex” kèm theo số điện thoại tư vấn khách hàng của công ty này ở cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Có nghĩa là với những chai keo này, khi đưa về tới Việt Nam, người ta chỉ việc đưa ra quầy bán. Giá xuất xưởng của bà Hà với chai keo này chỉ có 7 NDT, còn giá đề bán ở Việt Nam là 48.000đ. Khi chúng tôi nói muốn đặt hàng này, bà Hà lại từ chối vì đã có khách từ Việt Nam sang đặt rồi.

Để lại lời hẹn hôm sau sẽ đi tham quan nhà máy sản xuất, chúng tôi tìm đến một kiốt có tên Á Lệ Á chuyên bán các sản phẩm “Made in Korea”.

Không nói được tiếng Việt như bà Hà, nhưng bà chủ Hoàng Giang Dung của kiốt này khi biết chúng tôi muốn tìm một vài mặt hàng để mang về Việt Nam cũng nhiệt tình bê ra đầy một bàn các loại dầu gội, dưỡng tóc mang nhãn Double Rich với đủ kiểu mẫu chai lọ, nhãn mác được in ấn cực kỳ bắt mắt. Giá của những chai mỹ phẩm “Made in Korea” này cũng rẻ đến bất ngờ.

Một hộp dầu hấp tóc Double Rich xanh hay Q10 loại 1.000ml giá chỉ có 6,8 NDT/hộp; ấn tượng nhất trong cái đống sản phẩm ấy là một bộ ba chai dầu gội, xả, dưỡng loại 2l/chai, được đóng trong một túi nhìn cực kỳ sang trọng nhưng giá chỉ có 35 NDT/ túi. Cơ chế bán hàng cũng rất hấp dẫn, nếu khách mua 10 thùng trở lên (18 chai/thùng) thì sẽ được khuyến mại thêm một thùng.

Khi nghe chúng tôi hỏi vì sao ở kiốt này chỉ bán hàng có in Made in Korea mà không có của nước khác, bà Dung bảo lâu nay chỗ của bà chỉ làm hàng với bạn hàng Hàn Quốc, còn khách Việt Nam sang mua thì cũng chỉ cần những mẫu này.

Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn đặt mẫu dầu gội của Mỹ và phải in Made in USA, bà Dung “Ok” ngay với điều kiện sản phẩm ấy phải đặt số lượng từ 2.000 chai trở lên và sau khi ký hợp đồng phải đặt cọc 30% trị giá lô hàng với lời khẳng định “các anh muốn mẫu gì cũng được, chỉ sau 1 tuần là tôi đưa hàng tới biên giới”.

Giá rẻ như bèo, bao bì mẫu mã đẹp miễn chê, sau 1 tuần đặt mẫu là hàng về tới biên giới.... đó là những lời mời chào mà chúng tôi nhận được khi đến bất kỳ một ki ốt mỹ phẩm nào ở Xing Fa Plaza. Nhưng trong số hàng chục chủ hàng chúng tôi gặp, ấn tượng nhất là hai bố con nhà A Tiền.

Không hoành tráng với những mẫu hàng bày kín như những kiốt khác, gian hàng của bố con A Tiền nằm khuất trong một cái ngách tối tăm tới mức giữa trưa nhưng vẫn phải bật điện. Nhưng vừa nghe chúng tôi nói muốn đặt loại hàng dầu gội, xả Sunsilk bồ kết đóng trong túi bạc loại 500đ/gói đang bán ở Việt Nam, A Tiền gật đầu và leo ngay lên gác xép mang xuống một nắm cả Sunsilk Bồ kết và Sunsilk dầu Olive, dầu gội Nivea và nói rằng mấy mặt hàng này anh ta đang rất sẵn, nếu cần lấy ngay 1.000 thùng (720 gói/thùng) anh ta cũng có khiến chúng tôi phát hoảng.

Khi nói giá cả, ban đầu A Tiền ra giá 38 tệ/thùng, nhưng khi nghe chúng tôi chê đắt và nói sẽ lấy với số lượng nhiều, sau một hồi bấm máy tính, A Tiền đưa ra cái giá khiến chúng tôi tưởng mình nghe nhầm: 30NDT/thùng 720 gói, tức là nếu tính ra tiền Việt Nam, một gói dầu gội có giá chưa tới... 100đ.

Khi A Tiền hỏi có thể đặt cọc ngay không để anh ta cho đóng hàng và 2 tiếng sau là có thể cho lên xe chở ra biên giới, chúng tôi đành phải “đánh bài chuồn” bằng cách cho số điện thoại di động và hẹn chiều sẽ quay lại đặt tiền lấy hàng luôn. Có lẽ tưởng vớ được mối khách lớn nên mấy ngày sau, A. Tiến vẫn nhắn vào máy di động của chúng tôi hỏi chuyện mua hàng kèm theo câu “giá cả có thể thương lượng thêm”.

Anh bạn tôi, một người đã có thâm niên vài năm làm ăn ở đây thì bảo rằng A Tiền được coi là tay làm hàng giả có hạng ở cái chợ này. Ngoài làm hàng nhái theo đơn đặt hàng, hễ thấy mặt hàng nào ở chợ này đang hút khách là gã cũng tự làm rồi bán phá giá khiến cho các chủ hàng ở chợ này rất “cay mũi” nhưng không bắt được quả tang nên đành ngậm bồ hòn...

Trong những ngày lang thang khắp Xing Fa Plaza, có một câu hỏi khiến chúng tôi thấy rất khó lý giải là vì sao hàng nhái ở đây lại rẻ đến bất ngờ như vậy. Bởi cứ cho là hàng giả, nhưng chi phí để in bao bì, nhãn mác, đóng gói và sản xuất sản phẩm cũng phải chi phí không nhỏ.
 

mAd_lOvE

Administrator
Staff member
Mỹ phẩm được sản xuất như mắm tôm

Mỹ phẩm được sản xuất như mắm tôm

http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2007/7/63437.cand

12_chat672.jpg

Chất sền sệt màu nâu đen này được giới thiệu là "kem dưỡng tóc".

Tại Việt Nam, nhiều chị em đi beauty salon để tắm trắng, đắp mặt nạ làm trắng da với giá hàng triệu đồng. Chắc họ chẳng thể biết ở chợ mỹ phẩm Xing Fa Plaza, những thứ bột tắm trắng, mặt nạ “tươi” ấy được bán như cho (bột dùng để tắm trắng giá chỉ 5- 10NDT/túi loại 1kg).


Với lý do muốn được xem năng lực sản xuất trước khi ký hợp đồng đặt hàng, chúng tôi đề nghị bà Hà cho đi thăm nhà máy. Cách trung tâm thành phố Quảng Châu 40 km, xưởng sản xuất của bà Hà được xây dựng khá hoành tráng với một nhà xưởng hai tầng và một khu văn phòng, thiết kế mẫu mã.

Chỉ nhóm công nhân đang hối hả đóng hàng vào thùng carton, bà Hà bảo đó là lô hàng chuẩn bị đưa ra Lũng Vài để xuất về Việt Nam. Nhìn những dãy thùng hàng cao ngất chất đầy lối ra cũng đủ thấy cơ sở này đang làm ăn phát đạt cỡ nào.

Nhưng khác hẳn sự hoành tráng bên ngoài, khi bước vào nơi đặt máy móc bên trong, chúng tôi thật sự ngạc nhiên bởi dây chuyền sản xuất mỹ phẩm của xưởng này đơn giản đến không ngờ. Trên cái giá đỡ cách mặt đất chừng 1m là một dãy 6 cái bồn inox có gắn động cơ, van điều áp, đồng hồ đo áp suất được nối với gần chục cái bồn nhựa bằng một hệ thống ống inox và ống nhựa chạy sát trần nhà.

Trên nền nhà lênh láng nước là la liệt thùng, xô nhựa, trong ấy thùng thì đựng một thứ kem sền sệt màu nâu đen như... mắm tôm, thùng thì đựng thứ nước màu vàng nhạt. Bên cạnh đó là một dãy máy đóng chai.

Theo như giới thiệu vắn tắt quy trình sản xuất của bà Hà thì nguyên liệu sẽ được đưa vào 6 cái bồn inox để chế biến, sau đó thành phẩm sẽ được dẫn ra những bồn nhựa rồi bơm ra từng thùng, xô nhựa. Sản phẩm sẽ được ủ trong thùng nhựa này 24 tiếng rồi đưa ra máy đóng chai...

Toàn bộ quy trình sản xuất một mẻ sản phẩm từ khi đưa nguyên liệu vào tới khi thành phẩm đưa đi đóng chai là 48 tiếng. Đấy là quy trình sản xuất chứ còn nguyên liệu đưa vào làm thì chịu vì đó là... bí mật công nghệ. Chỉ cho chúng tôi một thùng nhựa đựng thứ kem sền sệt có màu mắm tôm vừa chiết từ dây chuyền sản xuất xuống, bà Hà cho biết đó chính là... kem dưỡng tóc.

Như muốn khẳng định sản phẩm mình làm ra được làm rất bài bản, bà Hà đưa chúng tôi đi thăm phòng thí nghiệm. Nhưng đó chỉ là một căn phòng nhỏ xung quanh được ốp bằng thứ gạch men rẻ tiền đặt ngay trong khu nhà xưởng. Máy móc cũng chẳng có gì ngoài vài cái kính hiển vi và một đống chai lọ đặt trên cái bàn ở giữa phòng.
12_day672to.jpg
Dây chuyền sản xuất mỹ phẩm của bà Hà.


Thấy bà chủ tới, anh chàng nhân viên phòng thí nghiệm đưa ra một cái lọ mẫu có đựng một thứ kem màu vàng nhạt, sau khi nghe nhân viên nói một tràng về kết quả kiểm tra, bà Hà mở lọ ra kiểm tra bằng cách... cho lên mũi ngửi rồi “ok”.

Thấy chúng tôi tò mò không hiểu cái thứ kem ấy là cái gì, bà Hà cười rồi giải thích đó là một loại... kem dưỡng da sắp được đưa vào sản xuất. Nhìn quy trình sản xuất này, bất giác, tôi lại nhớ đống mẫu trưng bày ở Xing Fa Plaza của bà với những nhãn hiệu Revlon, Olay, Shiseido, Chanel, Gucci, Double Rich... mà giật mình.

Cũng tình cờ, hôm chúng tôi đến xưởng sản xuất của bà Hà lại gặp ngay một khách hàng mới từ TP HCM sang đặt hàng. Người này giới thiệu tên là S., chủ một cửa hàng bán buôn hàng mỹ phẩm ở chợ Kim Biên.

Hóa ra đây chính là người đã đặt những mẫu hàng mang nhãn hiệu Double Rich mà bà Hà đã từ chối khi chúng tôi đặt vấn đề định làm. Khi nghe chúng tôi nói có ý định đặt hàng của bà Hà, ông S. quảng cáo luôn rằng cơ sở này có nhiều khách hàng từ Việt Nam sang đặt lắm vì sản phẩm của cơ sở này làm rất... chất lượng. Chính ông đã vài năm làm ăn với bà Hà.

Theo ông S. thì hiện ông đang cung cấp hàng cho khách từ Đà Nẵng trở vào và toàn bộ miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Ông cũng không giấu ý định phân phối hàng ra miền Bắc nhưng hiện chưa làm nổi.

Trong cái đống mẫu sẽ đóng Made in Việt Nam của bà Hà, tôi thấy cả một chai dầu gội đầu to đùng nhãn hiệu Romano chai màu xanh và hai hộp sữa rửa mặt của một công ty liên doanh có nhà máy tại Bình Dương. Có lẽ chỉ sau nửa tháng, những sản phẩm này sẽ về tới Việt Nam.

Nhưng bất ngờ hơn là trước lúc rời xưởng, bà Hà còn cho chúng tôi một túi toàn... bàn chải đánh răng có gắn Made in Thailand cùng với bảng giá của từng sản phẩm, trong đó đắt nhất cũng chỉ 1NDT/ chiếc và nói rằng “các anh cầm về xem nếu bán được thì Hà làm cho”.

Rời xưởng sản xuất của bà Hà, chúng tôi đến xưởng của A Lâm. Chúng tôi biết A Lâm cũng rất tình cờ qua sự giới thiệu của một người bạn đã có thâm niên làm ăn nhiều năm ở Quảng Châu.

Năm nay 40 tuổi, đáng cao gầy, đầu húi cua, ăn mặc xuềnh xoàng, thoạt nhìn A Lâm không có dáng một ông chủ. Từng là công chức trong một cơ quan của thành phố Quảng Châu, 7 năm trước, A Lâm quyết định xin nghỉ ra làm kinh doanh. Hằng ngày, A Lâm làm việc tại văn phòng trong thành phố, quản lý xưởng là ông bố vợ, vốn là một cán bộ cấp sở thành phố Quảng Châu về hưu.

Không có cửa hàng kinh doanh ở Xing Fa Plaza, A Lâm chọn cách kinh doanh riêng là mua bản quyền thương hiệu mỹ phẩm Cararno, OVO, Vip của một hãng mỹ phẩm ở Mỹ để sản xuất tại Quảng Châu. Theo lời A Lâm thì nếu tính ra tiền Việt Nam, phí bản quyền mà anh ta phải trả cho một thương hiệu là khoảng 1 tỉ đồng/năm.

Do sản phẩm của công ty là “hàng hiệu” nên A Lâm không đưa ra chợ mà chỉ bán tại các siêu thị mỹ phẩm ở các thành phố lớn như Thượng Hải, Thâm Quyến... Tại Việt Nam, từ 3 năm nay, A Lâm đã ký hợp đồng độc quyền phân phối với Công ty V (hiện có trụ sở tại Khu đô thị mới Đền Lừ 2, Hà Nội)...

Tưởng rằng, với doanh nghiệp chỉ sản xuất hàng hiệu có bản quyền thì nhà máy sẽ hoành tráng lắm, nhưng khi tới xưởng sản xuất của A Lâm, chúng tôi lại một lần nữa thất vọng bởi quang cảnh cũng lặp lại như xưởng của bà Hà, nghĩa là cũng chỉ có vài cái bồn inox, la liệt thùng, xô nhựa chứa sản phẩm... còn quy mô thì còn thua xa nhà xưởng của bà Hà.

Đưa ra một mớ tới 19 sản phẩm gồm kem giữ ẩm, kem trị mụn, nước hoa hồng làm trắng da, kem chống nám, kem chống nhăn... mang nhãn hiệu Cararno, OVO; dầu gội đầu và kem dưỡng tóc Vip, A Lâm cho biết, với các sản phẩm để bán tại Trung Quốc, trên bao bì đều phải in chữ Trung Quốc, địa chỉ nhà máy, mã số, mã vạch và phải ghi rõ sản phẩm được sản xuất nhượng quyền tại Trung Quốc.

Nhưng do người Việt Nam không chuộng những thứ hàng có chữ Made in China nên với sản phẩm xuất sang Việt Nam, bao bì chỉ in toàn tiếng Anh, mã số mã vạch cũng không phải của Trung Quốc nữa.

Nguyễn Thiêm
 

mAd_lOvE

Administrator
Staff member
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2007/7/63437.cand?Page=2

Những thông tin phải in bằng tiếng Trung Quốc và dòng chữ Made in China để xuất xưởng thì được in riêng trên một miếng nilon rồi dán ra ngoài bao bì, khi đưa về tới Việt Nam, nhà phân phối sẽ bóc bỏ cho dễ.

Nghĩa là với những sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc này, khi về Việt Nam, chỉ với một thao tác rất đơn giản là bóc bỏ miếng nilon rồi nhà phân phối dán thêm miếng tem chống giả của mình vào, nghiễm nhiên nó trở thành hàng có "xuất xứ từ Mỹ".

Bao bì thì như vậy, còn chất lượng thì chỉ A Lâm mới biết, bởi khi chúng tôi nói muốn đặt hàng nhưng với giá cả thấp nhất, anh ta cũng OK ngay, bởi “tiền nào của ấy”. Không những thế, Lâm còn nói, nếu chúng tôi có mẫu nào bán chạy ở Việt Nam, anh ta sẽ làm cho với giá “hợp lý” nhất.

Trong lúc cao hứng, A Lâm còn đưa ra một tấm danh thiếp và khoe rằng đây là một khách hàng ở Hải Dương mới sang đặt hàng mỹ phẩm. Theo tên ghi trong tấm danh thiếp này thì đó là giám đốc một công ty cổ phần tin học có trụ sở ở thị trấn Sao Đỏ, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương.

Chất lượng sản phẩm thì “chỉ có trời mới biết”, nhưng hàng mỹ phẩm giả vẫn bán rất chạy, ngoài giá rẻ còn do mẫu mã đẹp. Có thể nói những xưởng thiết kế, in ấn mẫu ở đây đã đạt tới công nghệ cao. Tại Xing Fa Plaza, có những kiốt chỉ chuyên kinh doanh một mặt hàng là chai lọ các loại.

Chúng tôi vào kiốt của A Cảnh, một trong những người chuyên kinh doanh chai lọ. Với khoảng 150 mẫu chai, lọ đủ hình dáng, kích cỡ, chất liệu. Sau khi chọn mẫu, khách hàng muốn mua số lượng bao nhiêu cũng có với giá chỉ từ 0,5 tới 5 NDT/chiếc tùy theo kích cỡ, chất liệu là thủy tinh, nhựa mỏng, nhựa dày; nếu đặt số lượng lớn thì còn được giảm giá nữa. Với những mẫu có sẵn, chỉ sau 5- 7 ngày sẽ giao hàng; còn khách muốn đặt mẫu riêng để “không đụng hàng” thì chỉ phải chờ cùng lắm là nửa tháng.

Cách không xa kiốt chai lọ của Cảnh là kiốt chuyên thiết kế và làm bao bì của A Lục. Chỉ cái gã ăn mặc lòe loẹt như đồng cô này, anh bạn tôi cho biết A Lục là tay rất siêu trong việc thiết kế mẫu. Ngoài làm mẫu bao bì, Lục còn thiết kế và sản xuất cả... tem 7 màu chống giả.

Thậm chí, với con tem 7 màu chỉ to bằng cái cúc áo, Lục có thể in ảnh 4 mặt người ở giữa, và khi nhìn ở những góc khác nhau vẫn hiện đủ cả 4 cái mặt người... Giá cho mỗi mẫu hộp cũng rẻ như bèo, nếu làm nhiều với các kích cỡ khác nhau, Lục tính đổ đồng chỉ có 0,5-1 NDT/chiếc.

* * *
Nhưng như thế vẫn còn là làm ăn... “đứng đắn” bởi những người như bà Hà, A Lâm còn có nhà máy sản xuất. Tại Xing Fa Plaza, chúng tôi còn gặp những chủ hàng làm ăn theo kiểu “tay không bắt giặc”, nghĩa là không hề có nhà máy nhưng vẫn sẵn sàng ký hợp đồng sản xuất nếu khách có nhu cầu với số lượng không hạn chế. Bởi khi có hợp đồng, họ sẽ thuê các xưởng gia công làm.

Một cách khác là họ sẽ tự mua các loại hóa mỹ phẩm được được đóng thành từng thùng loại 25 kg/thùng rồi về pha trộn và tự đóng chai, bởi máy đóng chai được bán đầy ở Xing Fa Plaza.

Tất cả chúng tôi đều choáng khi nhìn những thùng mỹ phẩm được bày bán đầy ở đây, loại xịn nhất cũng rẻ đến bất ngờ: 237NDT/1kg. Xin bạn đọc hãy hình dung 1kg này mà đóng thành từng lọ chỉ có 20g tới 50g thì số lượng sẽ là bao nhiêu lọ. Đấy là chưa kể người ta sẽ còn pha chế nhiều loại nguyên liệu rẻ tiền hơn để hạ giá thành. Còn chất lượng của loại mỹ phẩm này thế nào chắc trời cũng bó tay...

Trong vô vàn các sản phẩm làm đẹp được bán ở Xing Fa Plaza, kinh khủng nhất là các loại bột, mặt nạ, dầu làm trắng da. Tại Việt Nam, với nhiều chị em, đi beauty salon để tắm trắng, đắp mặt nạ làm trắng da đang là mốt với giá mỗi lần từ vài trăm tới cả triệu đồng. Chắc chẳng mấy ai biết ở chợ mỹ phẩm này, những thứ bột tắm trắng, mặt nạ “tươi” vẫn được quảng cáo là hàng xịn, chiết xuất từ cây cỏ tự nhiên ấy được bán rẻ như cho (1 túi bột dùng để tắm trắng giá chỉ 5- 10NDT/túi loại 1kg).

12_avinh672to.jpg
A Vinh giới thiệu viên con nhộng làm mặt nạ thuỷ tinh.


Tại kiốt chuyên kinh doanh các sản phẩm làm trắng da của A Vinh, chúng tôi được ông ta giới thiệu loại dầu có tác dụng làm trắng da sau... 1 phút và loại mặt nạ thủy tinh làm trắng da sau... 15 phút đắp mặt.

Như để khẳng định chất lượng của sản phẩm, ông Vinh biểu diễn việc làm mặt nạ cho chúng tôi bằng cách bóc 1 viên con nhộng rồi hòa với nước sôi. Sau khoảng 5 phút nhào cái thứ bột có màu trắng ấy trong nước đã thành một loại keo trong suốt và đổ ra khuôn, mất thêm 5 phút chờ, một miếng mặt nạ thủy tinh đã thành hình, A Vinh bảo cô con gái xé miếng mặt nạ ra đắp cho mỗi người một mảnh lên tay để thấy hiệu quả. Quả thực chỉ sau 10 phút đắp, mảng da ở chỗ đắp đã có màu sáng hơn hẳn.

Sau màn chào hàng, A Vinh đưa ra 3 bịch nilon đựng 3 loại con nhộng có màu trắng, xanh, hồng và cho biết nó được dùng cho 3 loại da khô, nhờn và da bình thường; mỗi túi có viên và giá bán chỉ có... 100đ/ viên. Theo lời A Vinh thì loại viên con nhộng này khách hàng Việt Nam rất chuộng vì vừa rẻ lại... vừa tốt. Nhưng trong lúc A Vinh quảng cáo sản phẩm chăm sóc da phụ nữ của mình rất tốt, thì bà vợ anh ta (dù chưa phải già) cũng không dùng, nên da mặt sần sùi và hơi sạm.

Để tìm hiểu thêm về tác hại của những loại mỹ phẩm “làm trắng siêu tốc” này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của một số bác sĩ chuyên khoa da liễu và không khỏi giật mình khi biết rằng những người sử dụng các loại mỹ phẩm này sẽ có nguy cơ làm da bị teo, sạm, nám. Bởi thông thường khi dùng bất cứ một loại mỹ phẩm nào, da cũng phải mất khoảng 3 tháng để thích ứng. Vì thế với loại mỹ phẩm làm trắng nhanh sẽ rất có hại cho cơ thể bởi thường có những nguyên tố kim loại nặng đã bị cấm sử dụng và các chất hóa học tác dụng mạnh vào da.

Sở dĩ nó có thể làm da trắng ngay là bởi các chất hóa học đã làm cho da bị teo, mỏng, giãn mạch nên đem lại cảm giác da trắng hồng, sáng mịn. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, da sẽ bị nhăn, nám, thậm chí nhiễm trùng, gây rối loạn nội tiết và nhiều loại bệnh như dạ dày, viêm đường tiết niệu... Có lẽ cũng biết được những tác hại ấy mà tại Xing Fa Plaza, các chủ hàng chỉ bán những sản phẩm kinh khủng này cho khách hàng mua về Việt Nam chứ không bán cho người Trung Quốc.
 

mAd_lOvE

Administrator
Staff member
http://antg.cand.com.vn/vi-VN/ktvhkh/2007/8/63729.cand

Muốn cho “ông xã” ngạc nhiên, chị Thanh quyết định “đầu tư” vài triệu để “thay da đổi thịt”. Nhưng cũng mới chỉ tới lần tắm trắng thứ 3 thì trên người chị nổi lên từng mảng mụn nước và ngứa. Sau khi tự uống thuốc kháng sinh không khỏi, chị Thanh đã phải cầu cứu tới bác sĩ da liễu.

24_day677.jpg
Đây là loại dầu bôi làm trắng da sau... 1 phút

Sau khi đăng bài "Mỹ phẩm giả ký sự", chúng tôi đã nhận được nhiều điện thoại, thông tin phản hồi của bạn đọc không chỉ phản ánh những trường hợp phải vào bệnh viện vì dùng phải mỹ phẩm giả, mỹ phẩm kém chất lượng mà còn cả những trường hợp do thiếu hiểu biết về tác dụng của mỹ phẩm, cả tin vào những lời quảng cáo mà tiền mất tật mang.

Ngoài ra, còn có ý kiến về những bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành mỹ phẩm của cơ quan quản lý Nhà nước khiến cho những doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc rất vất vả trong khi mỹ phẩm giả bằng nhiều con đường vẫn ồ ạt vào Việt Nam làm hại người tiêu dùng. Xung quanh chuyện mỹ phẩm, có rất nhiều điều cần cảnh báo...


Vào bệnh viện vì mỹ phẩm


Đã hơn 1 năm rồi nhưng chị Anh Phương, ở Ngã Tư Sở, Thanh Xuân, Hà Nội, vẫn chưa hết sợ khi nhắc lại chuyện phải đi bệnh viện vì vào thẩm mỹ viện làm đẹp. Mới vào tuổi 30, nhưng có lẽ do bị ám ảnh bởi cái câu “gái 30 tuổi đã toan về già” nên chị cùng một người bạn nữa đến Thẩm mỹ viện Y.T. để đắp mặt dưỡng da.

Dù đã rất cẩn thận chọn hàng của Mỹ (đấy là nhân viên mỹ viện quảng cáo như thế) với giá 400.000đ/lần, nhưng chỉ sau hai lần đi đắp mặt nạ, thay vì có làn da trắng sáng như quảng cáo, chị Anh Phương và người bạn chỉ thấy mặt nổi mụn. Ban đầu cũng chỉ nghĩ là bị dị ứng bình thường nên tự mua thuốc về chữa. Nhưng rồi càng ngày hai bên má mụn nước càng nhiều, hai chị đành phải đến Viện Da liễu khám.


Và phải mất gần một năm điều trị với đủ cả thuốc uống, thuốc bôi mới khỏi. Nhắc lại chuyện ấy với tôi, chị Anh Phương bảo “từ giờ xin vái cả nón thẩm mỹ viện”.


Nhưng chị Anh Phương vẫn chưa phải là nặng. Trường hợp chị Thanh ở Đống Đa mới thật là tai họa. Nghe cô bạn làm cùng cơ quan quảng cáo rằng, chỉ cần đi tắm trắng vài lần là làn da ngăm ngăm bánh mật của chị sẽ trở nên trắng sáng, mịn màng. Nghe bùi tai và cũng muốn cho “ông xã” ngạc nhiên, chị Thanh quyết định “đầu tư” vài triệu để “thay da đổi thịt”. Nhưng cũng mới chỉ tới lần tắm thứ 3 thì trên người chị nổi lên từng mảng mụn nước và ngứa. Sau khi tự uống thuốc kháng sinh không khỏi, chị Thanh đã phải cầu cứu tới bác sĩ da liễu.


Đó chỉ là hai trong số những nạn nhân của mỹ phẩm. Bác sĩ Nguyễn Thành, Trưởng Phòng khám - Viện Da liễu Quốc gia, cho biết mỗi năm phòng khám tiếp nhận khoảng 70 - 80 bệnh nhân phải đến viện vì dị ứng mỹ phẩm. Cách đây không lâu phòng khám phải tiếp nhận một phụ nữ đến bệnh viện trong tình trạng mặt mũi sưng như bị... ong đốt.

Theo trình bày của nạn nhận thì trong lần đi chợ Lạng Sơn, chị đã mua loại kem dưỡng da Trung Quốc có tên là Ban Gan Jing với giá chỉ có 10.000đ/lọ. Mang về nhà, chị bôi theo đúng như hướng dẫn của cô bán hàng nhưng mới bôi được đến lần thứ hai thì thấy ngứa ran khắp mặt, rồi sưng húp lên.


Ngoài những người đến viện vì dùng mỹ phẩm rẻ tiền nhưng cũng có người đã dám đầu tư không ít đi Beauty Salon, Spa để làm đẹp nhưng do tâm lý muốn làm đẹp cấp tốc mà lĩnh hậu quả; cũng có trường hợp sử dụng mỹ phẩm cao cấp nhưng do không hợp cơ địa nên vẫn bị dị ứng.


Còn bác sĩ Hoàng Phương Lan, Phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội cho biết, mỗi năm bệnh viện đã chữa trị cho khoảng 30 - 40 trường hợp bị tai biến vì dùng mỹ phẩm, phần lớn là bị dị ứng do dùng kem dưỡng da, trị nám, làm trắng da. Trong số đó có những trường hợp do dùng kem trị nám nhưng mặt bị nổi mụn, nám nặng hơn tới mức phải điều trị tới cả năm mới khỏi với chi phí rất tốn kém.


Mỹ phẩm không phải là thuốc tiên


Theo các bác sĩ da liễu, những người phải đến điều trị do dị ứng mỹ phẩm đều do dị ứng thuốc nhuộm tóc, dị ứng do tắm trắng và các loại kem dưỡng da, trong đó đông nhất vẫn là dị ứng bởi các loại kem dưỡng da, làm trắng da, trị nám...


Hiện có tình trạng là người sử dụng đang bị nhầm lẫn cơ bản giữa dược phẩm và mỹ phẩm bởi nhiều loại dược phẩm bôi ngoài da có chứa thuốc chống viêm Corticoid (hoạt chất được dùng làm thuốc điều trị các bệnh da liễu, như Eczema, chàm và được chỉ định không được dùng quá 10 ngày) cũng được bào chế dạng kem rất giống mỹ phẩm.

Tuy nhiên, với dược phẩm bôi ngoài da, khi sử dụng phải tuân theo chỉ định nghiêm ngặt của bác sĩ về liều lượng, thời gian sử dụng thì nhiều người lại sử dụng như mỹ phẩm, nghĩa là bôi rất... vô tư mà không cần chỉ định của bác sĩ. Do tác dụng của Corticoid nên ban đầu những loại dược phẩm này cũng có tác dụng tức thời làm cho da trắng sáng, mịn màng, nhưng sau đó sẽ có nhiều biến chứng làm da nổi mụn, rạn, tăng tiết bã nhờn và có nguy cơ gây teo da...


Một sai lầm nữa của người sử dụng mỹ phẩm khiến cuối cùng phải vào bệnh viện là quá tin vào những lời quảng cáo “có cánh”. Ví dụ như bệnh nám, một bệnh khá phổ biến với phụ nữ. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh nám, có thể do bẩm sinh, do tuổi tác, một số bệnh đặc biệt hay ảnh hưởng của một số kích tố nữ như các phụ nữ đang mang thai hoặc uống thuốc ngừa thai... với bệnh nám chỉ dùng thuốc để giảm bớt chứ không thể chữa hết được.


Vì vậy mà ở Trung Quốc, người ta cấm các cơ sở sản xuất đặt tên sản phẩm là kem hoặc thuốc trị nám mà chỉ được phép ghi là kem làm trắng da hoặc dưỡng da. Tuy nhiên ở Việt Nam hiện nay, có không ít loại mỹ phẩm được ghi đường hoàng là kem trị nám. Đây là cách đánh lừa và gây ảo tưởng cho người tiêu dùng về tác dụng của mỹ phẩm.


Một biến chứng thường gặp với các chị em dùng mỹ phẩm là do tắm trắng. Nhiều người vẫn ngây thơ tin vào những lời quảng cáo của các thẩm mỹ viện về sự kỳ diệu của tắm trắng mà nghĩ rằng chỉ cần sau vài lần tắm trắng, đắp mặt là có nước da mịn màng, trắng sáng. Đây là suy nghĩ rất sai lầm. Người xưa có câu “Giàu tại phận, trắng tại da”, xét dưới góc độ khoa học thì hoàn toàn có lý bởi da trắng hay đen là do cấu trúc tự nhiên và được định sẵn trong gien nên dùng thuốc không thể thay đổi được màu sắc của da. Việc tác động từ bên ngoài chỉ có tác dụng rất hạn chế.

Theo các chuyên gia về da liễu, da người có cấu trúc gồm 5 lớp gồm mầm, đáy, hạt, sáng, sừng.

Hệ thống hắc tố melanin để ngăn chặn các tia cực tím có hại cho cơ thể thường nằm ở lớp mầm và đáy. Khi da phải tiếp xúc thường xuyên với nắng và bị tác động của tia cực tím, tế bào mầm sẽ phân bố lại các hắc tố melanin và đẩy dần lên trên bề mặt da, khiến da đen và sạm đi.


Vì thế tắm trắng thực chất là sử dụng mỹ phẩm để lột bỏ lớp da chết bên ngoài trong thời gian nhất định chứ không thể làm thay đổi số lượng melanin trong tế bào.


Không những thế, nếu quá lạm dụng hóa chất làm trắng da sẽ có tác dụng ngược. Bởi theo các bác sĩ da liễu, hầu hết các loại mỹ phẩm có tác dụng tẩy trắng da, nhất là những loại làm trắng siêu tốc chỉ cần bôi sau.. 1 phút hoặc sau 15 phút đắp mặt như chúng tôi từng được quảng cáo ở Xing Fa Plaza, đều có chứa hóa chất và các nguyên tố kim loại nặng bởi nó làm tăng hiệu quả của mỹ phẩm.


Tuy nhiên, những nguyên tố kim loại nặng có trong mỹ phẩm lại không thể trao đổi bình thường trên da mà tích tụ trong da; khi tích tụ tới mức độ nhất định, nó sản sinh ra những độc tố có hại cho da và làm rối loạn hệ thống nội tiết, gây ra nhiều loại bệnh như viêm niêm mạc hành tá tràng, đau dạ dày, viêm đường tiết niệu...

Với các loại kem dưỡng da cũng vậy. Cách đây không lâu, sau khi có những trường hợp bị tai biến do sử dụng kem dưỡng da hiệu Bảo Lâm, Thanh tra Y tế Hà Nội đã đưa đi kiểm tra và phát hiện ra rằng trong thành phần của loại kem này có chứa hoạt chất Dexamenthason acetat, là một loại corticoid có tác dụng kháng viêm mạnh. Nếu dùng thường xuyên sẽ gây giãn mạch máu, teo da, rạn da, viêm nang lông, giảm sức đề kháng của da dẫn tới gây mụn, viêm nhiễm.


Một nguyên nhân nữa khiến cho không ít người dù đã đầu tư tiền triệu mua mỹ phẩm xịn mà vẫn bị dị ứng, đó là không hiểu tác dụng của mỹ phẩm. Các loại mỹ phẩm (hàng xịn) dù đã được thử nghiệm trước khi đưa ra thị trường và nhà sản xuất ghi trên nhãn mác là sản phẩm không gây kích ứng da, nhưng điều đó không có nghĩa là sản phẩm sẽ không gây kích ứng da bởi cơ địa mỗi người khác nhau nên cùng một loại mỹ phẩm nhưng người này có thể dùng được nhưng người khác dùng sẽ bị dị ứng.


25_moingay677to.jpg
Mỗi ngày có hàng chục xe tải chở mỹ phẩm về tập kết ở chợ Lũng Vài để đưa vào Việt Nam.


Không những thế, ngay các chất vitamin A, vitamin E có trong kem dưỡng da nhưng không phải phù hợp với tất cả các loại da; vì thế kem dưỡng có vitamin E thì người da nhờn không nên dùng vì vitamin E tan trong dầu... Chính vì vậy, theo bác sĩ Hoàng Phương Lan, trước khi sử dụng một loại mỹ phẩm nào, người sử dụng nên thử trước bằng cách bôi vào chỗ da phía trong cánh tay, nếu sau 24 giờ mà không có phản ứng thì mới nên sử dụng.


Còn nếu cẩn thận hơn thì trước khi sử dụng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa da liễu. Ngoài ra, với khí hậu nóng ẩm như Việt Nam, khi dùng kem dưỡng da cũng chỉ nên dùng vào ban đêm và cũng chỉ nên dùng khoảng 2 giờ, vì nếu dùng cả đêm kem sẽ bịt hết lỗ chân lông gây ngứa, thậm chí nổi mụn...


Mỹ phẩm giả đang tung hoành khắp hang cùng ngõ hẻm


Trở lại vấn đề được nhiều bạn đọc quan tâm đó là mỹ phẩm giả đang trở thành mối nguy hiểm với người tiêu dùng. Với công nghệ làm hàng giả như ở Xing Fa Plaza thì người tiêu dùng khó có thể phân biệt được đâu là hàng thật đâu là hàng giả. Mặc dù thỉnh thoảng lực lượng chức năng như công an, quản lý thị trường cũng bắt giữ được vài vụ buôn bán mỹ phẩm giả (trong đó vụ lớn nhất là tháng 6-2007, quản lý thị trường Hà Nội bắt được 10,5 tấn), tuy nhiên con số đó chỉ là rất ít so với lượng mỹ phẩm giả hàng ngày được đưa từ bên kia biên giới vào nội địa.


Trong những ngày đi thực tế tại Xing Fa Plaza, chúng tôi cũng đã được các đầu nậu chuyên vận chuyển thuê chào mời nhiệt tình việc đưa hàng lậu từ Lũng Vài về tới tận Hà Nội với giá rất “dễ chịu”: một thùng hàng loại 50kg vận chuyển về tới Hà Nội cước vận chuyển chỉ có 250.000đ, nếu bị bắt, họ sẵn sàng bồi thường toàn bộ giá trị lô hàng.

Vì sao hàng giả từ Trung Quốc lại có thể vào Việt Nam dễ dàng như vậy? Câu hỏi này chỉ có lực lượng chống buôn lậu trên tuyến biên giới mới trả lời được. Chỉ biết rằng ở Việt Nam, mỹ phẩm giả đang có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm.


Mỹ phẩm giả được nhập lậu ồ ạt không chỉ làm hại người tiêu dùng mà khiến cho những doanh nghiệp làm ăn đứng đắn cũng lao đao. Trong câu chuyện với chúng tôi, ông Nhữ Ngọc Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Mỹ phẩm Quốc tế Phương Đông ở Hà Nội than thở, ông đang trong tình trạng “cốc mò cò xơi”.


Theo ông Hùng, công ty của ông từ 2 năm nay là doanh nghiệp độc quyền phân phối sản phẩm mặt nạ Elov tại Việt Nam. Để đưa được mặt hàng vào thị trường Việt Nam một cách chính danh, ông Hùng đã phải đi về giữa Hà Nội - Quảng Châu không biết bao nhiêu lần để hoàn tất các thủ tục theo đúng những yêu cầu của Cục Quản lý Dược.


Tuy nhiên, sau một thời gian đưa vào tiêu thụ ở thị trường, khi đã bắt đầu gây dựng được uy tín thương hiệu với người tiêu dùng thì sản phẩm này bị các đầu nậu hàng giả ở Việt Nam đặt làm giả từ Trung Quốc để đưa về Việt Nam tiêu thụ. Theo ông Hùng, trong khi doanh nghiệp cung cấp sản phẩm đã giảm giá tới mức thấp nhất có thể để đưa sản phẩm này vào Việt Nam với hy vọng tăng thị phần và chống hàng giả nhưng vẫn thua hàng giả. Bởi giá hàng giả bán tại Việt Nam còn được chào thấp hơn cả hàng ông mua từ nhà máy tại Quảng Châu.


Còn người tiêu dùng khi mua chỉ nhìn bao bì sản phẩm, lại thấy rẻ hơn nên vẫn cứ mua. Vì thế dù hiện tại công ty này chỉ phân phối mặt hàng mặt nạ Elov “xịn” tại Hà Nội và các tỉnh lân cận, nhưng tại các tỉnh từ miền Trung và miền Nam toàn là hàng giả vẫn tiêu thụ rất mạnh bởi giá rẻ.


Rõ ràng đang tồn tại một nghịch lý là với doanh nghiệp làm ăn đàng hoàng, để xin được một giấy phép lưu hành sản phẩm ở Việt Nam phải làm rất nhiều thủ tục, chi phí không ít tiền và mất không ít thời gian chờ đợi thì hàng giả chỉ cần sau một tuần đặt hàng tại Quảng Châu là có thể đưa về tới Hà Nội với số lượng bao nhiêu cũng có. Vì thế thị trường mỹ phẩm ở Việt Nam hiện nay đang trong tình trạng “vàng thau lẫn lộn”.


Trong khi các cơ quan chức năng còn khá thờ ơ với việc quản lý thị trường mỹ phẩm thì người tiêu dùng, để tự bảo vệ mình, xin hãy tỉnh táo trước những lời quảng cáo về sự thần kỳ của mỹ phẩm nếu không muốn “tiền mất tật mang"


Nguyễn Thiêm
 
Top