Mỹ phẩm "nhái" công khai bán đắt hơn đồ xịn

mAd_lOvE

Administrator
Staff member
Khác với suy nghĩ của nhiều người về hàng giả, là hàng rẻ tiền hơn, trọng lượng ít hơn, màu sắc không phong phú bằng… Gần đây, hàng mỹ phẩm giả (hay “hàng xách tay”) đã “tái xuất giang hồ” với một công nghệ bán hàng kiểu mới.

Khi hàng giả giá cao hơn hàng thật

“Mua ở đâu? – “Hà Nội”, “Chỗ nào thế?” – “Đường Chùa Bộc, nhiều cửa hàng lắm, muốn mua hiệu gì cũng có, nhưng nhiều nhất là L’Oréal, Maybelline, Lancôme, Dior... Không được trả giá đâu. Chị bạn đi cùng mới mua một bộ dưỡng da, so ra thì mắc hơn trong Diamond nhưng đây là hàng xách tay từ Mỹ về, mắc hơn là đúng rồi”.

Cũng cửa hiệu lớn ở những mặt tiền bắt mắt. Cũng nhân viên mặc đồng phục duyên dáng mời khách. Cũng quầy kệ, bảng hiệu, poster quảng cáo chuyên nghiệp… Mua hàng không được trả giá, thậm chí một số mặt hàng còn có giá cao hơn hàng thật. Không hề bán “chui” mà xuất hiện một cách “đường hoàng chính thống”.

“Không cần chính xác, chỉ cần dứt khoát” là cách mà các cửa hàng chuyên bán hàng “xách tay” áp dụng với khách hàng. “Nếu chị thích thì mua, không mua cũng được, em không ép”. Cô bạn Ngọc Hà của tôi đã bị lừa phỉnh như thế nhưng vẫn tin là mình mua được hàng xịn giá rẻ.

Đánh trúng tâm lý khách hàng và hoạt động bài bản với những vỏ bọc bên ngoài khá chuyên nghiệp, nhiều cửa hàng chuyên bán mỹ phẩm nhái, giả ở TP.HCM và Hà Nội vẫn đang sống tốt.

Thanh Trà ấm ức kể: “Mình vừa thấy hãng L. giới thiệu dòng sản phẩm cho nam giới liền đi mua về tặng ông xã. Xài chừng một tuần, ổng than da bị sần, ngứa, nổi mẩn đỏ rồi bị lột da. Tá hoả, mình điện thoại lên công ty thì họ bảo mình đã mua hàng không thuộc hệ thống phân phối nên họ không chịu trách nhiệm. Lúc đó mình mới biết là đã mua hàng giả. Thật không thể ngờ hàng giả được copy ngay khi hàng mới ra, quá tốc độ!”.

Nếu như Trà biết rằng ngay cả nhiều nhân viên “chính hiệu” của các công ty được quyền phân phối, bán hàng chính thức cũng còn nhầm lẫn, không phân biệt được đâu là hàng thật – hàng giả.

Hàng hiệu giá rẻ, đừng có mơ!

Vẫn là Hà bạn tôi. Sau khi mua phải hàng giả, may mà chưa có thiệt hại gì đáng kể, chị đến quầy mỹ phẩm Lancôme ở một trung tâm thương mại nhờ “chỉ giáo” cách phân biệt hàng thật – hàng giả. Cầm trên tay xấp “tài liệu” gần 50 trang, Hà hoa mắt nhức đầu với những thông tin, hình ảnh đối chứng không quá khác biệt. Thôi, chia tay giấc mơ hàng hiệu giá rẻ từ đây.

Một cây son chính hãng của những thương hiệu lớn có giá chừng 350.000 – 580.000đ, một bộ kem dưỡng da cần đầu tư từ 2 – 5 triệu đồng là chuyện bình thường, nước hoa thì khoảng trên một triệu đồng… Nếu mua cùng hiệu đó nhưng ở… chợ hoặc trong những cửa hàng chuyên bán hàng xách tay, giá sẽ giảm từ 30 – 70%. Mỹ phẩm, những tác động của chúng rất quan trọng đến cơ thể, làn da. Một khi tác hại đã xảy ra thì tiền mất tật mang, tốn kém nhiều hơn.



Nhận diện hàng giả: (khuyến cáo, những thông tin này vẫn chưa là cập nhật đầy đủ, do công nghệ copy vẫn phát triển không ngừng).


– Son giả thường có màu tối và không có nhiều độ ẩm, khi thoa thử lên tay rất khô và mùi thơm mạnh để át chất liệu sáp rẻ tiền.

– Phấn giả mùi thơm mạnh, thoa lên da bị khô và vón cục, nước và bột tách rời, độ bám dính chặt và dày lên da.

– Nước hoa giả có màu vàng (do pha chế alcohol và tinh dầu rẻ tiền), khi lắc chai, phía đầu nổi bọt như bong bóng (hàng thật chỉ nổi bọt li ti).

– Kem dưỡng da giả có màu trắng đục, vàng đục và bết dính, không xốp nhẹ và khi thoa không thẩm thấu nhanh.

– Mỹ phẩm giả thường có mùi dầu hoặc mùi thơm mạnh để át mùi hoá chất. Mỹ phẩm thật có mùi thơm nhẹ nhàng và dễ chịu, không gây sốc khi ngửi.



Theo Sài Gòn tiếp thị
 
Top