Mỹ phẩm và làn da

My Pham Xach Tay

Administrator
Theo định nghĩa, mỹ phẩm là bất cứ chất nào dùng cho cơ thể, với mục đích làm sạch, tăng vẻ đẹp, sự hấp dẫn và thay đổi diện mạo, giúp bảo vệ phần ngoài của cơ thể và mọi người đều có thể dùng được.
pham2.jpg

Mỹ phẩm gồm có nhiều loại khác nhau, được dùng cho nhiều mục đích, nhiều vị trí trên cơ thể.

Đối với da: Gồm có các loại như xà bông tắm, sữa tắm, chất làm sạch da, chất làm ẩm da, chất dùng để tẩy trang, phấn hồng, phấn nền, dầu thơm, kem chống nắng...

Đối với lông tóc: Dầu gội đầu, dầu xả, chấy tẩy trắng, chất màu nhuộm tóc, chất dùng để uốn tóc, chất làm thẳng tóc, keo chải tóc, gel bôi tóc, chất làm rụng lông, kem cạo râu...

Đối với mắt: Kem chải lông mi (mascara), mí mắt giả, mỹ phẩm vẽ mắt, chì kẻ mắt và lông mày...

Đối với móng tay, móng chân: Sơn móng tay, sơn móng chân, chất chùi sơn móng tay, móng chân...

Đối với môi: Son môi, chất làm bóng môi (lipgloss), kem chống nứt môi...

Như vậy, mỹ phẩm là những thứ cần thiết rất gần gũi với đời sống hàng ngày của chúng ta, xã hội càng văn minh, mức sống càng cao thì việc sử dụng mỹ phẩm càng tăng thêm. Nhưng mỹ phẩm thường là sự tổng hợp của nhiều loại hóa chất khác nhau, như những chất làm thơm, chất màu, chất bảo quản... Do đó, tỷ lệ gây phản ứng và gây bệnh cho da ngày càng gặp nhiều hơn.

Dĩ nhiên không phải tất cả các loại mỹ phẩm đều gây tác hại cho cơ thể. Tùy theo cơ địa và làn da của mỗi người, cũng như tùy theo loại mỹ phẩm, chúng ta có thể gặp các phản ứng dưới đây:

Kích ứng da: Đặc biệt ở những người có làn da nhạy cảm, da hơi bị đỏ và ngứa nhẹ.

Viêm da tiếp xúc: Triệu chứng phát ra rầm rộ hơn, vùng da tiếp xúc với mỹ phẩm nổi vài mụn nước nhỏ, sẩn đỏ, cho đến sưng đỏ cả một vùng lớn, nổi nhiều mụn nước dày đặc và rịn ra chất dịch rất ngứa. Ngoài triệu chứng tại chỗ còn có thể phát ra triệu chứng đỏ da ở các vùng khác làm ngứa ngáy rất khó chịu.

Nổi mụn: Là triệu chứng thường gặp nhất khi bôi các mỹ phẩm ở vùng mặt, nhất là mỹ phẩm ẩm ướt nhiều, dơ bẩn. Nổi mụn thường không xảy ra ngay mà chỉ xảy ra vài ngày sau khi bôi. Da càng nhờn thì càng dễ nổi mụn.

Nám da: Triệu chứng phát ra chậm có liên quan đến một số hóa chất thơm có trong mỹ phẩm. Nám da có thể xảy ra ở một vùng nhỏ hoặc vùng lớn.

Lão hóa da: Quá trình này xảy ra chậm nhưng lại sớm hơn thời gian bình thường.

Thật ra thì tùy theo cơ địa của mỗi người, khó có thể nói trước người nào chịu loại mỹ phẩm này hoặc loại mỹ phẩm khác. Tuy nhiên, người ta ghi nhận rằng ở những người hay bị bệnh dị ứng như bệnh eczema, hen suyễn, viêm mũi dị ứng, nhức nửa đầu... thì thường dễ bị phản ứng hơn những người khác.

Thông thường trước khi bôi một loại mỹ phẩm nào trên da, nhất là vùng da mặt thì không nên vội vàng bôi lên vùng lớn mà nên bôi từ từ với lượng mỹ phẩm rất ít ở một vùng kín đáo nào đó, vị trí thường được chọn là mặt trong cánh tay trái ở những người thuận tay phải, còn những người thuận tay trái thì làm ngược lại.

Những người sử dụng mỹ phẩm nên áp dụng cách thức như sau:

- Ngày đầu bôi và để yên trong vòng 24 giờ, sau đó rửa sạch.

- Ngày thứ hai cũng để 24 giờ.

Nếu sau thời gian này không có phản ứng đỏ da, ngứa ngáy thì bôi trên da mặt một vùng nhỏ trước, sau đó bôi lan rông ra từ từ. Trái lại, nếu bị đỏ, ngứa da thì phải ngưng ngay và không bao giờ bôi loại mỹ phẩm này nữa, vì nếu còn dùng lại ở bất cứ thời điểm nào loại mỹ phẩm đã gây phản ứng ở lần trước thì lần sau sẽ nặng nề hơn và cũng có khi gây nguy hiểm đến tình trạng nếu không cấp cứu kịp thời.

Vậy thì chúng ta phải làm gì và phải xử trí như thế nào khi da bị phản ứng với mỹ phẩm?

Sau khi bôi bất cứ loại mỹ phẩm nào, nếu thấy da bị đỏ ngứa thì phải ngưng ngay lập tức, dùng vòi nước rửa mạnh để làm trôi mỹ phẩm, dùng khăn hoặc tốt nhất là khăn giấy để lau sạch chỗ đó, tiếp theo là theo dõi diễn biến ra sao. Nếu chỗ bôi vẫn còn đỏ ngứa hoặc lan rộng thêm thì cần xử trí đúng cách để làm giảm phản ứng một cách nhanh chóng.

Cách xử trí: Thông thường sau khi bị phản ứng nhẹ, chỉ cần ngừng bôi và rửa sạch mỹ phẩm thì triệu chứng sẽ giảm dần. Tuy nhiên, ở một số người phản ứng ngày càng nặng hơn, do đó cần phải xử trí. Có nhiều cách xử trí khác nhau tùy theo tình trạng phản ứng.

Đối với loại viêm da tiếp xúc nhẹ thì cần bôi trong thời gian thuốc có chất corticoid trong vòng 3 ngày. Trong trường hợp nặng thì phải xử trí thêm thuốc corticoid toàn thân kèm theo kháng sinh thích hợp và vitamin C liều cao. Thông thường xử trí đúng thì trong vòng 3 ngày triệu chứng sẽ giảm nhanh chóng. Tốt nhất nên đến bác sĩ chuyên khoa da liễu để được hướng dẫn xử trí và dùng thuốc thích hợp.

Bạn không nên lạm dụng bất cứ loại mỹ phẩm nào, chỉ nên dùng khi thật sự cần thiết. Đối với người đã từng bị phản ứng với loại mỹ phẩm nào thì cần nhớ tên nó suốt đời và không bao giờ được sử dụng trở lại. Cũng cần lưu ý mỹ phẩm thường có nhiều chất khác nhau, loại mỹ phẩm này có thể chứa một vài chất tương tự như loại mỹ phẩm khác, do đó một người bị phản ứng với loại mỹ phẩm này cũng có thể phản ứng với nhiều loại khác.

Tốt nhất nên hỏi ý kiến của bác sĩ da liễu trước khi sử dụng, không nên quá tin vào lời nói của người bán hàng. Trước khi sử dụng một loại mỹ phẩm nào cần phải xem còn thời hạn dùng hay không; mỹ phẩm có nguồn gốc và địa chỉ có đáng tin cậy hay không. Soi da thì không biết được da có bị phản ứng với mỹ phẩm này hoặc mỹ phẩm khác.

Điều quan trọng là khi dùng mỹ phẩm để bôi da thì nên thử nghiệm như đã hướng dẫn trên, có thể tránh bớt những tai biến nặng nề đáng tiếc xảy ra. Khi đã nghi ngờ phản ứng xảy ra, chúng ta nên đến bác sĩ để được thăm khám và giải quyết tốt nhất.

(Theo Làm Đẹp)
 
Top